Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin tức. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tin tức. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Căn hộ chung cư từ 600 đến 1 tỷ thu hút đầu tư


Căn hộ 600 triệu đồng đang trở thành xu hướng đầu tư mới, nhắm vào nhu cầu thực của người mua của các doanh nghiệp bất động sản tại HN và Tp.HCM.
Thị trường bất động sản năm 2012 được nhắc nhiều đến phân khúc chung cư giá rẻ. Đây là phân khúc đem lại kết quả kinh doanh khả quan nhất cho các DN thời gian qua. Gần như phân khúc cao cấp với những căn biệt thự siêu sang, những căn hộ cao cấp diện tích trên 100m2 giá vài tỷ đồng,…không còn là món hàng được ưa chuộng như trước đây nữa.
Điểm sáng của thị trường với căn hộ dưới 1 tỷ
Thay vào đó là những dự án căn hộ diện tích nhỏ, dao động chỉ từ 30m2 đến 70m2 với giá trị chỉ khoảng 500-600 triệu đồng mỗi căn đang là “hàng hot” của thị trường.
Trên thị trường Tp.HCM gần đây không ít doanh nghiệp đã và đang định vị vào phân khúc này. Trong đó, một số dự án thu hút được người mua như Ehome 3, Cheery 2, hay mới đây là Sunview 3,…
Gần như hầu hết các căn hộ dự án loại này đều tập trung vào loại diện tích nhỏ với giá trị vừa phải. Chẳng hạn như Nam Long đưa ra sản phẩm diện tích từ 50m2 đến 60m2 dự án Ehome 3 Tây Sài Gòn, với giá 615 triệu đồng/căn 2 phòng ngủ. Thời gian thanh toán cũng linh hoạt từ 15-48 tháng và được hỗ trợ vay 70% trong vòng 25 năm.
Dự án này gồm có 14 đơn nguyên chung cư cao 9 tầng (+lửng) với khoảng 2000 căn hộ bao bọc xung quanh công viên trung tâm và cụm công trình giáo dục. Ở giai đoạn 1, chủ đầu tư sẽ tiến hành xây dựng 495 căn hộ.

Hay mới đây Đất Xanh đã bỏ ra 300 tỷ đồng để mua lại toàn bộ phần căn hộ 2 block dự án Thiên Lộc ( A1, A2 - hay còn gọi là dự án Sunview 3). Block còn lại (B) Công ty Thiên Lộc dùng để làm căn hộ cho thuê. Sau khi mua lại Đất Xanh bắt đầu phân phối ra thị trường 619 căn hộ Sunview 3 với giá từ 614 triệu đồng/căn 2 phòng ngủ. Diện tích căn hộ Sunview 3 từ 45m2 đến 81m2.
Thị trường Tp.HCM hiện nay gần như chỉ tập trung vào những dự án có giá dưới 1 tỷ đồng/căn. Ngay cả những dự án cũ, đang xây dựng hoặc hoàn thiện rồi cũng phải giảm giá, chiết khấu để giải quyết hàng tồn từ chủ đầu tư hoặc các đơn vị thứ cấp.
Điển hình cho những trường hợp này như Hoàng Anh River View giảm 60% sau 3 năm còn 18,1 triệu đồng/m2, La Casa chiết khấu 30% còn 14 triệu đồng/m2, Carina Plaza giảm 20% còn khoảng 13 -14 triệu đồng/m2, Belleza chiết khấu 14%,…
Một loại hình căn hộ nhỏ 30m2 tại Bình Dương với giá 90 – 120 triệu đồng/căn đang là một hướng đi mới cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Bình Dương đầu tư đợt 1 khoảng 5000 căn hộ (trên tổng số 64.700 căn toàn dự án) trong đó gần 90% là 30m2, còn lại là 60m2 (không hạn chế tỉ lệ căn hộ nhỏ).
Còn tại Hà Nội, trước đây các dự án chung cư thường tập trung vào phân khúc trung và cao cấp, căn hộ thường có diện tích từ 70m2 đến 130m2, thậm chí lên đến vài trăm m2 mỗi căn hộ. Giá căn hộ cũng ở mức cao ngất ngưởng từ 30 – 50 triệu đồng/m2 ở khu vực nội đô, 23 – 27 triệu đồng/m2 ở khu vùng ven đô,…
Tuy nhiên, đến nay gần như loại căn hộ này đã bão hòa, giá giảm mạnh từ 30-40%. Nhiều chủ đầu tư nhanh chân đã thay đổi lại thiết kế, chia tách các căn hộ diện tích lớn thành các căn diện tích nhỏ, đặc biệt là loại hình penthouse.
Với những dự án mới đưa ra thị trường gần đây, xu hướng đầu tư chủ yếu là căn hộ bình dân, giá thấp. Đã xuất hiện nhiều hơn các dự án có diện tích căn hộ chỉ từ 40m2 đến 60m2, điển hình như dự án Chung cư Đại Thanh - Khu đô thị Đại Thanh với số lượng cỡ 1500 căn đã được bán hết chỉ trong vòng 2 tháng mở bán giai đoạn 1. Các căn hộ tại dự án Chung cư Đại Thanh có giá chỉ dao động từ 600 triệu đến 900 triệu, sắp tới chủ đầu tư tiếp tục mở bán giai đoạn 2 các tòa CT10 với nhiều điều chỉnh về diện tích, bao gồm cả căn 1 phòng ngủ, 2 phòng ngủ và 3 phòng ngủ, giá dao động từ 500 triệu/căn đến 1 tỷ/căn hứa hẹn sẽ thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm và giao dịch cũng như đầu tư của khách hàng.
Lối thoát từ diện tích nhỏ?
Khẩu hiệu tự cứu mình của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời buổi khó khăn của thị trường đang là xu thế. Đã có nhiều chiêu thức, kế hoạch được đưa ra, và dường như doanh nghiệp tại Tp.HCM một lần nữa lại nhanh nhạy hơn các doanh nghiệp miền Bắc.
Họ chấp nhận giảm giá tới 50%, bán dự án giá thấp, giải quyết triệt để hàng tồn kho. Làm căn hộ diện tích nhỏ nhất đến mức có thể. Tham gia chương trình nhà ở xã hội theo phương thức thương mại.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho rằng, căn hộ 30m2 tại Bình Dương bản chất là căn hộ 20m2 + 10m2 (lửng) chiếm đất xây dựng ít và tăng số tầng cao, là cách quá thông minh để luật nhà ở xã hội với 5 tầng. Bên cạnh đó, lấy danh nghĩa nhà xã hội nhưng lại bán rộng rãi cho mọi người. Đây là phương thức thương mại quá sáng tạo.
Cũng theo ông Đực, chúng ta nên phát động chương trình Nhà ở xã hội theo phương thức thương mại diện tích 30m2/2 người (nhà bình dân). Tại Hà Nội & Tp.HCM chung cư trên 15 tầng giá 10-12 trđ/m2 căn hộ dưới 400 triệu đồng, chung cư 5 tầng giá 6-9 triệu đồng/m2 căn hộ 200-300 triệu đồng. Nhiều doanh nghiệp có đất chắc chắn sẽ tham gia.
“Cho phép doanh nghiệp xây dựng căn hộ diện tích nhỏ theo phương thức thương mại chiếm phần lớn, không hạn chế tỷ lệ. Đây là cách Nhà nước cứu Doanh nghiệp hiệu quả nhất.” ông Đực nói
Ông Đực ví sự thành công của Becamex với căn hộ 30m2 tại Bình Dương như một sự kết hợp của 3 yếu tố Thiên thời, Địa lợi và Nhân hòa. Thiên thời (kinh tế suy thoái – mọi người đang nghèo đi), Địa lợi (Becamex có quỹ đất), Nhân hòa (Dân ủng hộ, Becamex có sáng kiến, chính quyền cởi mở, thương dân cho lách luật).
Theo sandatviet.vn

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Căn hộ chung cư Hà Nội xác lập mặt bằng giá mới

  
So với cùng kỳ năm ngoái giá căn hộ Hà Nội hiện nay đã giảm đáng kể khoảng 20-30% tùy từng khu vực, tương đương giảm khoảng từ 6 -10 triệu đồng/m2.

Kể từ khi thị trường địa ốc vào giai đoạn suy thoái từ giữa năm 2011, cho đến nay hơn một năm trôi qua thị trường vẫn chưa thể phục hồi trở lại. Giá cả bất động sản liên tục đi xuống, đặc biệt là tình trạng “cắt lỗ” của nhà đầu tư thứ cấp do khó khăn về tài chính.

Mất giá 30% so với cùng kỳ năm ngoái
Với mặt bằng giá mới hiện nay của căn hộ chung cư Hà Nội, giá bán của nhiều dự án chung cư đang triển khai xây dựng đã giảm xuống khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, hình thành nên một mặt bằng giá mới tương đối dể thở hơn cho người mua.
Đơn cử như khu vực quận Hà Đông được xem là nơi tập trung rất nhiều dự án căn hộ chung cư của Hà Nội với một số đô thị lớn như Văn Khê, Dương Nội, Văn Phú, Mỗ Lao, Văn Quán, Xa La,…Hầu hết các đô thị này được triển khai xây dựng mạnh vào những năm 2008-2010, hình thành nên một thị trường căn hộ phát triển rầm rộ tại đây. Theo thống kê Hà Đông chiếm tới 30-35% thị phần căn hộ Hà Nội.
Thời điểm cùng kỳ năm ngoái, giá chào bán căn hộ tại khu vực này đối với một số dự án vẫn còn ở mức dao động từ 23 – 25 triệu đồng/m2 như chung cư Dương Nội, chung cư Văn Khê, chung cư Xa La, Văn Phú,…
Tuy nhiên, sau một năm biến động giảm, giá căn hộ chung cư khu vực này đã hoàn thiện hoặc đang hoàn thiện có mức giá phổ biến ở mức 16-20 triệu đồng/m2, giảm khoảng 6-7 triệu đồng/m2, có dự án giảm khá mạnh như Lê Văn Lương Residence, The Pride từ 24 -25 triệu đồng/m2 xuống còn 16-17 triệu đồng/m2.
Khu vực Trung Hòa Nhân Chính, Linh Đàm là nơi có thị trường chung cư phát triển khá sớm từ nhiều năm trước, đa phần các căn hộ đã đi vào sử dụng nhiều năm nay. Mặt bằng giá căn hộ ở đây cũng bị tác động giảm từ thị trường chung, năm ngoái giá chào bán trung bình ở mức 43 triệu đồng/m2 như No5 Vinaconex thì nay mức giá khu vực này chỉ còn dao động từ 33-35 triệu đồng/m2.
Mới đây, chủ đầu tư dự án VP3 Linh Đàm hiện đang chuẩn bị xây xong phần thô bất ngờ hạ giá tiếp xuống còn 22 triệu đồng/m2 từ mức 25 triệu đồng/m2 vào cuối năm ngoái. Trước đó vào cũng kỳ năm trước dự án này được giao dịch quanh mức giá 31-33 triệu đồng/m2. Như vậy, đến nay VP3 Linh Đàm đã giảm khoảng 30%.

Hầu hết các dự án chung cư tại Hà Nội đều có mức giảm so với cách đây một năm từ 20% đến 30%.

Dự án mới: Định giá thấp và mối lo chất lượng
Bên cạnh những dự án chung cư cũ do chủ đầu tư hạ giá để bán nốt những căn hộ còn tồn đọng, hoặc do nhà đầu tư thứ cấp “cắt lỗ” xả hàng thu hồi vốn. Các dự án mới phát triển hoặc đang trong kế hoạch chuẩn bị ra hàng đều nhắm đến phân khúc giá bình dân.
Điển hình như dự án chung cư Đại Thanh tại khu đô thị mới Xa La vừa mới tung ra thị trường vào hồi đầu tháng 6 với mức giá 14 triệu đồng/m2 (đã gồm VAT) được xem như phát súng đầu tiên về mặt bằng giá mới ở khu vực này.
Hiện chung cư Đại Thanh đang được xây hầm, so với những căn hộ đã và đang hoàn thiện cùng khu vực giá chung cư này thấp hơn từ 3-4 triệu đồng/m2.
Sau khi chung cư Đại Thanh được đưa ra thị trường với mức giá 14 triệu đồng/m2 thì một số dự án chung cư khác cùng khu vực cũng đã có động thái thay đổi kế hoạch kinh doanh và định giá lại căn hộ nhằm cạnh tranh với mặt bằng giá mới.
Theo một nguồn tin, dự án chung cư thuộc khu đô thị Golden Silk (Kim Văn - Kim Lũ) nằm trong khu Nam vành đai 3 sắp tới ra hàng với giá dự kiến là 14 triệu đồng/m2 (chưa VAT). Trong khi đó, vào thời điểm này năm ngoái, tại ĐHĐCĐ thường niên của Vinaconex 2 –chủ đầu tư dự án, lãnh đạo Vinaconex 2 có công bố giá bán dự kiến chung cư Golden Silk xung quanh mức 20 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay căn hộ chung cư Golden Silk chưa được công bố chính thức về giá bán. Trong trường hợp chung cư Golden Silk có giá 14 triệu đồng/m2 thì mức giá này so với kế hoạch trước đó giảm khoảng 6 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam – Sàn BĐS Info thuộc tập đoàn Đại Dương, thời gian vừa qua, thị trường BĐS cũng có những dự án được chào mời giảm giá với giá tương đối rẻ gây cho người dân những nghi vấn về giá trị thực của dự án cũng như mong chờ giá giảm.

Khi giảm giá, thì chủ đầu tư phải chấp nhận lợi nhuận thấp.
Tuy nhiên, bên cạnh những dự án được giảm giá theo quy luật thị trường còn có một nguyên nhân khác đó là do chủ đầu tư bị sức ép với Ngân Hàng nên nếu không bán giá rẻ thì sẽ bị phá sản.
Với những dự án đó, khi chủ đầu tư huy động vốn xong thì đã trả nợ cho ngân hàng và làm việc khác còn công trình thì vẫn đắp chiếu không được triển khai.
Theo phân tích của ông Nam, nếu giá căn hộ giảm do định hướng lại phân khúc, chất lượng công trình vẫn giữ nguyên thì đó chính là một trong những bước đi vững chắc để thị trường BĐS.
Tuy nhiên nếu như để giảm giá dự án mà giảm chất lượng công trình, tiến độ giao nhà hoặc chậm trễ hoặc không biết đến bao giờ hoàn thành thì còn làm cho thị trường BĐS trở nên tồi tệ hơn.

Theo TTVN

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

Chung cư giá rẻ vẫn hút khách trong tháng "cô hồn"


Đại diện một doanh nghiệp bất động sản nói ví von, cả năm nay, với doanh nghiệp địa ốc, tháng nào cũng là tháng "cô hồn" và trong tháng 7 âm này, thị trường lại có vẻ ấm hơn khi nhiều dự án vẫn hút khách.
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm là tháng “cô hồn”, không nên mua bán những sản phẩm có giá trị lớn, nhất là đất đai, nhà ở. Tuy nhiên, ngay trong tháng này, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn ồ ạt tung ra các dự án mới.

Đua nhau “chào hàng” tháng cô hồn

Tại Hà Nội, mới đây Công ty Cổ phần Đầu tư Dầu khí Toàn cầu thông báo tiếp tục mở bán căn hộ dự án Nam Đô Complex tại số 609 Trương Định, quận Hoàng Mai với giá 22 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT). Nam Đô Complex nằm trên khu đất rộng hơn 2,6 ha, gồm hai tòa nhà 25 - 28 tầng và 2 tầng hầm liên thông. Tầng 1 - 3 là sảnh chung cư, khu dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê; từ tầng 4 - 28 là các căn hộ chung cư. Hiện dự án đã thi công đến tầng 18 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2013.

Công ty cổ phần COMA 18 cũng vừa quyết định điều chỉnh giá 79 căn hộ tại tòa nhà Westa Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông - Hà Nội) về mức trung bình 17,9 triệu đồng/m2 xây thô và 21 triệu đồng/m2 căn hộ hoàn thiện để thu hút khách trong tháng "cô hồn". Bên cạnh đó, chủ đầu tư còn chiết khấu trực tiếp 3% cho khách mua căn hộ từ nay đến ngày 10/9.

Trước đó, căn hộ Westa hoàn thiện được chào bán với mức giá trung bình 26 - 28 triệu đồng mỗi m2. Dự án gồm 2 khối tháp cao 21 và 25 tầng nổi cộng với 3 tầng hầm liên thông nhau giữa 2 tòa nhà. Căn hộ có diện tích từ 97 m2 đến 158 m2, dự kiến giao nhà vào quý 4/2013. Như vậy, so với trước, khách mua căn hộ Westa trong tháng ngâu này sẽ được giảm tới 25%.

Cũng chào bán dự án sôi động không kém gì Hà Nội, tại TP HCM, nhiều doanh nghiệp bên cạnh việc mở bán sản phẩm mới còn đua giảm giá, khuyến mãi để hút khách.

Mới đây nhất, Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) vừa công bố đợt bán hàng lớn nhất trong năm, với thời gian mở bán từ ngày 9 tới 15/7 âm lịch (tức ngày 25 đến 31/8). Cả 10 dự án được chào bán thời gian này gồm HUD, Biconsi, Đại Nam, Mỹ Phước 3, Nhà phố Gò Dầu, New Sai Gon, Belleza, Sealinks, Everrich, Carillon. Để kích cầu, Sacomreal áp dụng chính sách giảm giá từ 4% đến 20% và tặng sản phẩm trị giá cả trăm triệu đồng cho khách hàng ký hơp đồng mua nhà, căn hộ trong khoảng thời gian trên.

Cũng trong ngày 25/8, Công ty địa ốc Khang Gia mở bán 321 căn hộ block 1 chung cư Khang Gia tại quận Gò Vấp. Giá căn hộ hoàn thiện thấp nhất 537 triệu đồng, tương đương 11,2 triệu đồng mỗi m2. Chủ đầu tư dự kiến giao căn hộ vào quý 4/2013 và đưa ra nhiều lựa chọn thanh toán và ưu đãi.

Trước đó, ngày 15/8, Tổng công ty Phong Phú đã chính thức mở bán giai đoạn 1 dự án khu nhà ở-chung cư Nhân Phú, gồm 51 lô đất nền nhà liên kế và 2 block chung cư cao 15 tầng tại phường Tăng Nhơn Phú, quận 9, TP HCM.  Cùng ngày, đơn vị này cũng chào bán 79 lô đất thuộc dự án Tăng Phú House tại quận 9.

Khách hàng đặt cọc mua căn hộ

Nhà đất giá rẻ không "kỵ" tháng Ngâu

Theo ông Bùi Tất Thắng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal), dường như tác động của tháng "cô hồn" tới quyết định mua bán những tài sản có giá trị lớn của người dân đang ngày càng giảm đi. Hiện nhiều khách hàng có xu hướng chờ đợi tháng 7 âm để săn nhà đất giá rẻ, bởi các năm trước, cứ thời điểm này các doanh nghiệp lại giảm giá, khuyến mãi để chống ế. Còn những người dân mua bán nhà, căn hộ trao tay với nhau, người ta cũng “ra lộc” nhiều hơn cho người mua.

Tuy nhiên, những sản phẩm nhà, căn hộ bán được trong tháng ngâu này chủ yếu là bất động sản có giá bình dân và khách hàng tìm đến vẫn là những người có nhu cầu thực sự, những gia đình tích cóp nhiều năm mới đủ tiền mua nhà nên họ sẵn sàng mua bất cứ lúc nào nếu điều kiện nhà đất và giá cả phù hợp.
“Bất kể thời điểm nào, những dự án nhắm đến phân khúc mua để an cư, giá vừa túi tiền, chế độ thanh toán tốt và có thể ở ngay được hoặc sắp bàn giao vẫn được khách hàng quan tâm. Trong ngày đầu mở bán 10 dự án của Sacomreal, những căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng và chính sách khuyến mãi hấp dẫn đã thu hút một lượng khách đáng kể”, ông Thắng nói.

Ông Lê Hiệp, Trưởng phòng kinh doanh, Công ty CP bất động sản Trọng Da, cho hay, một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bất động sản đua nhau chào hàng thời điểm này là do tháng 6 vừa qua là tháng có kết quả giao dịch ảm đạm nhất của thị trường Hà Nội kể từ đầu năm đến nay.

Sang tháng 7, lượng giao dịch cũng không khả quan hơn mấy. Nói chung cả năm nay, với doanh nghiệp địa ốc, tháng nào cũng là tháng "cô hồn". Trong khi đó, hiện cũng gần hết quý 3 là thời điểm đáo hạn vốn vay ngân hàng của nhiều doanh nghiệp, nên các doanh nghiệp phải bắt đầu chiến dịch bung hàng mới trong tháng 8 (tức tháng 7 âm).

Xét về tiềm lực tài chính của các công ty địa ốc, cầm cự đến quý 3 năm nay đã mệt mỏi, ít doanh nghiệp có thể đủ sức chịu đựng thêm trong vòng một vài năm tới nếu cứ tiếp tục ôm hàng tồn kho. Vì vậy, doanh nghiệp phải tìm các biện pháp khuyến mãi, giảm giá, có chế độ thanh toán linh hoạt để bán được hàng, từ đó có tiền trả nợ.

“Tuy nhiên, thị trường bất động sản đã ảm đạm trong suốt thời gian dài nên tháng 7 âm này dù không khi mua bán, chào hàng có sôi động hơn song vẫn khó mà có hy vọng đối với sự đột phá về số lượng giao dịch. Chỉ những căn hộ, đất nền giá mềm, có vị trí không quá xa trung tâm và có thời gian bàn giao trong khoảng trên dưới 1 năm mới hút khách, còn đa số dự án cao cấp vẫn ế ẩm trong tháng cô hồn”, ông Hiệp nói.
Theo Landtoday.net

Chung cư thu nhập thấp mới xây đã hư hỏng

Liên tiếp chung cư thu nhập thấp mới xây đã hư hỏng
*
Người dân họp lại phản ánh bức xúc về việc khu chung cư dành cho người thu nhập thấp cuối tuyến Bạch Đằng Đông chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều hư hỏng - Ảnh: HC


Hai khu nhà A1, A4 của khu chung cư thu nhập thấp cuối tuyến Bạch Đằng Đông và hai khu nhà A5, A6 thuộc khu chung cư Vũng Thùng (Đà Nẵng) mới xây dựng nhưng đã xảy ra nhiều hư hỏng nghiêm trọng.
Ngày 28/8, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Văn Hữu Chiến vừa giao Sở Xây dựng phối hợp với Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng và phát triển nhà Vicoland cùng các đơn vị liên quan khẩn trương đánh giá mức độ nguy hiểm của vết nứt sàn các khối nhà thuộc khu chung cư thu nhập thấp cuối tuyến Bạch Đằng Đông; đề xuất biện pháp khắc phục, sửa chữa trước ngày 30/8.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng yêu cầu Công ty Vicoland trước ngày 30/8 phải hoàn thiện, đưa vào sử dụng các hạng mục gồm chữa cháy, hệ thống chống sét, thang máy, hệ thống thu rác đối với nhà A1 và A4 của khu chung cư này; hoàn thiện các hạng mục trên trước khi công trình đưa vào sử dụng đối với các khối nhà chung cư còn lại.
Đồng thời, yêu cầu Vicoland chịu trách nhiệm thoả thuận với các hộ dân biện pháp khắc phục, sửa chữa theo đề xuất của Sở Xây dựng (đặc biệt đối với các căn hộ tầng 7) để đảm bảo an toàn khi sử dụng và mỹ quan công trình, hoàn thành trước ngày 10/9; khẩn trương tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công các khối lượng còn lại, đảm bảo chất lượng, hoàn thành công trình theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng.
UBND TP Đà Nẵng cũng có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MTV Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng phải triển khai ngay việc gia cố các cột tầng 1 khu vực để xe bị hư hỏng nặng của 2 khu nhà A5, A6 thuộc khu chung cư Vũng Thùng trước mùa mưa bão 2012.
Đáng nói là mặc dù thi công xây dựng công trình không đảm bảo chất lượng nhưng Công ty TNHH MTV Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng chỉ phải tự chi trả 50% kinh phí khắc phục các hạng mục hư hỏng như vừa nêu trên. 50% còn lại được sử dụng từ nguồn kinh phí dự phòng xây dựng cơ bản năm 2012. Ngoài ra, việc sửa chữa cột hư hỏng nhẹ, nứt tường, nứt dầm và các khoản chi phí khác được đưa vào danh mục bảo trì chung cư năm 2013!
Theo xác định của UBND TP Đà Nẵng, chịu trách nhiệm trong việc để khu chung cư Vũng Thùng mới xây dựng đã xảy ra hư hỏng, ngoài đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng còn có tư vấn giám sát và BQL dự án công trình đường Bạch Đằng Đông (đơn vị quản lý dự án).
Tuy nhiên, UBND TP Đà Nẵng chỉ kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với tư vấn giám sát, còn với BQL dự án công trình đường Bạch Đằng Đông và Công ty TNHH MTV Xây dựng và Phát triển hạ tầng Đà Nẵng thì đều chỉ "kiểm điểm tập thể".
Được biết, chủ trương này được UBND TP Đà Nẵng đồng ý dựa trên cơ sở đề nghị của Sở Xây dựng Đà Nẵng.
Theo landtoday

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2012

Tham nhũng trong vụ việc bán nhà biệt thự số 67 Nguyễn Thái Học

Sau khi báo chí có bài phản ánh về việc sai phạm trong việc bán nhà theo Nghị định 61/CP, ngày 15/8, Sở Xây dựng Hà Nội đã "hồi âm" về vụ việc trên.

Hà Nội: Dấu hiệu tham nhũng từ việc bán nhà theo Nghị định 61/CP | ảnh 1

Khiếu kiện tại biệt thự 67 Nguyễn Thái Học vẫn chưa được giải quyết dứt điểm

Giải trình của Sở Xây dựng
Theo Công văn số 5090/SXD- Sở Xây dựng Hà Nội nêu rõ: “Sau khi có thông tin báo chí về việc bán nhà theo Nghị định số 61/CP cho hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn tại biệt thự số 67 phố Nguyễn Thái Học, Sở Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra hồ sơ, yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội báo cáo về quá trình quản lý, bán nhà tại biệt thự số 67 phố Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, TP. Hà Nội.

Theo hồ sơ lưu trữ, hộ bà Nguyễn Thị Nhạn tại số 67 Nguyễn Thái Học nộp hồ sơ mua nhà ngày 28/12/2004, đến ngày 07/5/2006 đã ký Hợp đồng mua bán nhà theo Nghị định số 61/CP, nhưng do còn thắc mắc về diện tích và xác nhận chế độ miễn giảm tiền sử dụng đất theo chính sách người có công với cách mạng nên bà Nhạn có đơn đề nghị kiểm tra, xem xét lại và chưa nộp tiền mua nhà.

Ngày 30/8/2007 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/2007 về việc điều chỉnh một số chính sách trong công tác bán nhà theo Nghị định số 61/CP, nên việc bán nhà biệt thự tạm dừng lại để xây dựng Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự.

Thực hiện Nghị quyết số 48/2007/NQ-CP, Sở Tài nguyên Môi trường và nhà đất Hà Nội trước đây (nay chuyển chức năng quản lý nhà ở, bán nhà sang Sở Xây dựng) đã có Văn bản số 652/TNMT&NĐ-B16 ngày 18/2/2008 yêu cầu các Công ty nhà kiểm kê, lập biên bản, báo cáo về Sở về việc chốt danh sách hồ sơ cán bộ mua nhà biệt thự và nhà mặt đường mặt phố cổ có khả năng sinh lời cao đã ký Hợp đồng mua nhà bán nhà ở từ trước ngày 25/9/2007 (ngày Nghị định số 48/2007/NQ-CP có hiệu lực thi hành) các hộ chưa nộp tiền mua nhà vào ngân sách Nhà nước (gồm họ tên, địa chỉ, ngày nhận hồ sơ, ngày ký Hợp đồng mua bán nhà và kèm hợp đồng mua bán nhà bản chính) để chờ thực hiện theo chính sách mới.

Ngày 19/02/2008, Tổ công tác của Sở Tài nguyên Môi trường và nhà đất, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội - Xí nghiệp QLPTN số 1 đã lập biên bản chốt hồ sơ, danh sách gửi kèm các hồ sơ mua nhà biệt thự và nhà mặt đường mặt phố có khả năng sinh lời cao đã ký hợp đồng mua bán nhà ở từ trước ngày 25/9/2007 (trong đó có hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nhạn).

Ngày 10/12/2008, HĐND Thành phố ban hành Nghị định số 18/2008/NQ-HĐND thông qua Đề án quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn, quy định như sau:

Theo quy định nêu trên thì hộ bà Nguyễn Thị Nhạn tại số 67 phố Nguyễn Thái Học đã ký Hợp đồng mua bán nhà ngày 07/5/2006 (trước ngày 25/9/2007) sẽ được tính giá bán và áp dụng các chính sách theo quy định tại mục 6.4.1 của Nghị quyết số 18/2008/NQ-HĐND. Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển Nhà Hà Nội đã thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước khi áp dụng giá bán nhà cho hộ bà Nguyễn Thị Nhạn tại số 67 Nguyễn Thái Học.

Cụ thể: Phần diện tích sử dụng đất trong hạn mức đất ở là  9.800.000đ/m2 x 40% x 1,8 Phần diện tích đất vượt hạn mức đất ở là 9.800.000đ/m2 x 100 x 1,8. Do đó không có việc gây thất thoát tiền cho ngân sách Nhà nước khi thực hiện việc áp giá bán nhà theo Nghị định số 61/CP cho hộ bà Nguyễn Thị Nhạn tại số 67 Nguyễn Thái Học như báo chí đã nêu”.
“Lộ sáng” nhiều dấu hiệu tham nhũng
Sau khi xem xét các ý kiến trong công văn 5090/SXD, và các tài liệu hiện có, PV thấy có một số điểm đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội làm rõ việc bán nhà cho Bà Nguyễn Thị Nhạn tại 67 như sau:

Tại sao trong công văn 5090/SXD của Sở Xây dựng không đề cập đến bảng tính giá đã thẩm định ngày 28/12/2009, và hợp đồng mua bán nhà ngày 27/12/2010 của Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội với gia đình nhà bà Nhạn?

Tại sao Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội không yêu cầu gia đình bà Nhạn nộp tiền mua nhà theo hợp đồng mua nhà số 2505/HĐ – MB ngày 7/5/2006 và bảng tính giá đã được thẩm định bởi Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Ba Đình và Sở Xây dựng ngày 28/12/2009 với số tiền: Ba tỷ chín trăm lẻ bốn triệu bốn trăm tám mươi ngàn đồng ?

Sau khi thẩm định xong bản tính giá ngày 28/12/2009, và đã ký hợp đồng mua nhà, sau 30 ngày nhà bà Nhạn không nộp tiền thì hợp đồng số 2505, ký năm 2006 còn giá trị hay không?

Tại sao lại có thể tồn tại cùng lúc 02 hợp đồng mua bán nhà với 02 bản tính giá với số tiền khác nhau, trong việc bán nhà theo Nghị định 61/CP cho nhà Bà Nhạn ? Hợp đồng nào là hợp pháp ?

Trước khi ký lại hợp đồng bán nhà số 126 ngày 27/12/2010, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội có làm thủ tục hủy Hợp đồng đã ký số 2505, năm 2006 với gia đình bà Nhạn hay không?

Quy trình lập lại hồ sơ, tính giá ngày 22/12/2010 được thẩm định bởi Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Ba Đình và Sở Xây dựng, và ký lại hợp đồng bán nhà 67 ngày 27/12/2010 với gia đình nhà bà Nhạn với giá tiền: Hai tỷ ba trăm mười sáu triệu sáu trăm hai mươi chín nghìn đồng, áp dụng giá trước năm 2007 mà không áp dụng giá UBND TP Hà Nội tại thời điểm làm hợp đồng (2010), đã đúng theo hướng dẫn của Nghị quyết 48 và điều 4, mục (b) quyết định Số 116/2009/QĐ-UBND TP Hà Nội hay không?

Việc bán nhà cho gia đình bà Nhạn khi đang có tranh chấp liệu có đúng theo Luật Đất đai tại mục (d), khoản (1) của “hướng dẫn xử lý một số vấn đất đai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" số 1427/CV-ĐC ngày 13/10/1995 của Tổng cục địa chính hay không?

Theo các hộ dân gửi đơn khiếu nại đến cơ quan báo chí, trong quá trình thụ lý hồ sơ bán nhà, mặc dù biết đang có tranh chấp về đất đai trong khuôn viên khu biệt thự 67 Nguyễn Thái Học, nhưng UBND Phường Điện Biên vẫn xác nhận đất không có tranh chấp, Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội vẫn ký hợp đồng bán nhà, UBND Quận Ba Đình vẫn ký giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho gia đình nhà bà Nhạn

Cụ thể trong đơn ngày 6/4/2010 gửi Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, (do ông Phạm văn Sinh tiếp nhận) các hộ dân có ghi: “Theo như các hộ dân chúng tôi được biết nhà bà Nhạn đang tiến hành làm thủ tục xin mua nhà theo nghị định 61/CP. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các hộ dân tránh khiếu kiện, đề nghị Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội họp với các hộ dân để xác định rõ diện tích sử dụng chung, riêng của nhà bà Nhạn trên cơ sở các diện tích chung và riêng của các hộ đã được Ủy ban nhân dân TP. Hà nội cấp Giấy chứng nhận từ năm 2001..... ”

Với các nội dung nêu trên, chúng tôi đề nghị Sở Xây dựng làm rõ, hồi âm báo chí để trả lời công luận.


Theo dân trí

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Thị trường bất động sản có cơ hội khởi sắc

Nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như sự nỗ lực của các doanh nghiệp, sau một thời gian dài "bất động”, hiện nay, nhiều công ty nghiên cứu BĐS đã nhận định, thị trường đã có những tín hiệu vui.
Giá BĐS đang nằm trong "vùng đáy”
Ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho biết, trong vòng 3 quý qua, lượng hàng tồn kho các căn hộ để bán liên tục tăng, tại thị trường Hà Nội là trên 100.000 căn, tại Tp.HCM là 47.000 căn (vào cuối quý 2-2012). Đồng thời, khả năng hấp thụ của thị trường chỉ là 7%. Về giá bán các căn hộ cũng sụt giảm khoảng 40% ở Hà Nội và 50% ở Tp. HCM. Theo tính toán của các chuyên gia, giá bán đã thấp hơn với suất đầu tư ban đầu. Tuy nhiên trên thực tế, do nhiều áp lực khác nhau, các chủ đầu tư đã phải hạ giá nhằm cắt lỗ, trả lãi và gốc các khoản vay.
Thị trường bất động sản khởi sắc

Đâu là nguyên nhân của thực trạng này? Ông Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhận định, ngoài lý do ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế thế giới, có 7 nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự bất ổn của thị trường BĐS Việt Nam. Đầu tiên phải kể đến là hệ thống văn bản hiện nay chưa đồng bộ, còn chồng chéo, chưa có chế tài đủ mạnh để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai và kinh doanh BĐS.

Tiếp đó là các nguyên nhân liên quan đến định hướng phát triển thị trường chưa kịp thời, không theo kịp cơ chế thị trường và nhu cầu xã hội. Đầu tư tài chính cho BĐS còn nhiều hạn chế, thị trường BĐS vẫn chủ yếu phụ thuộc vào chính sách tiền tệ tín dụng mà thiếu các định chế tài chính phi ngân hàng hỗ trợ như quỹ đầu tư phát triển BĐS, quỹ tín thác BĐS... Đặc biệt, chúng ta chưa huy động được nguồn vốn từ trong dân vào BĐS. "Tuy nhiên, thời điểm khó khăn này cũng là dịp để thanh lọc lại thị trường, đưa BĐS trở về giá trị thực của nó. Những Doanh Nghiệp năng lực yếu kém tất yếu sẽ tự bị đào thải. Các Doanh Nghiệp không đủ khả năng trả nợ các khoản vay bắt buộc phải bán BĐS bằng giá thành đầu tư thậm chí còn thấp hơn giá thành, do vậy giá BĐS, đặc biệt là BĐS nhà ở tại thời điểm này đang rất thuận lợi cho Người tiêu dùng có nhu cầu thực về nhà ở”.

Thế nhưng, thời điểm này đã nên rót tiền vào BĐS hay chưa? Ông Nguyễn Hoàng Nam, Giám đốc sàn BĐS Info - Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) thì cho rằng, dựa trên phân tích thị trường cũng như phân tích về chi phí cấu thành một sản phẩm BĐS thì thị trường đang nằm trong "vùng đáy”. Với người dân có nhu cầu thực sự nếu muốn mua BĐS tại thời điểm này cần cân nhắc 2 yếu tố: tính pháp lý của một dự án BĐS (BĐS đã đủ điều kiện bán theo quy định của Nghị định 71 chưa) và năng lực của chủ đầu tư. Với chủ đầu tư, nên cân nhắc khả năng tài chính để đầu tư dài hạn vì trong ngắn hạn, khó có thể xảy ra các đợt "sóng” và cũng khó có thể có những thay đổi lớn về giá BĐS, nhất là với phân khúc từ trung bình trở lên.
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, nhiều Doanh nghiệp đã phải giảm giá bán, khuyến mại, chiết khấu, thậm chí phải chuyển nhượng, sang tên dự án. Đánh giá về hướng đi này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc công ty Vinalink Land cho rằng, giảm giá là điều tất yếu trong cơ chế thị trường. Nhiều Doanh nghiệp, nhất là khu vực phía Nam đã mạnh dạn áp dụng phương án này từ khoảng 2-3 quý trước. Tuy nhiên, hiệu quả của việc giảm giá cũng rất hạn chế, thường chỉ có tác dụng trong từng thời điểm, do tâm lý khách hàng luôn mong đợi giá BĐS thấp hơn nữa, nhất là phân khúc BĐS trung – cao cấp. Có một mảng sáng trong thị trường là nhà dành cho người có thu nhập thấp (giá bán từ 12-14 triệu đồng/m2) vẫn phát triển rất tốt. Do đó, trong thời gian tới, Doanh nghiệp cần tập trung đầu tư phát triển mảng thị trường này. Riêng về thị trường sản phẩm BĐS cao cấp, trong 5 tháng cuối năm 2012 và cả năm 2013, thị trường này vẫn đối diện nhiều khó khăn.

Ở một góc độ khác, ông Phạm Vũ Hải Anh, Giám đốc kinh doanh công ty cổ phần Hồng Hạc Đại Lải (Chủ đầu tư Flamingo Đại Lải) cho rằng, với các chính sách của ngân hàng hiện nay, một người dân có một khoản tiền gửi tiết kiệm cũng chỉ thu về cao nhất là 9 - 10%/năm. Tương đương với thu nhập này, nếu đầu tư vào ngôi nhà thứ hai là BĐS nghỉ dưỡng thì cũng thu lợi bằng hoặc hơn gửi tiết kiệm ngân hàng, nhưng giá trị về BĐS thì tồn tại mãi mãi và là tài sản có giá trị gia tăng. Sau 3-5 năm, yếu tố về tiền có thể mất giá, thì kênh đầu tư vào BĐS nghỉ dưỡng và tham gia vào việc cho thuê sẽ là kênh đầu tư tốt nhất.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Tất Thịnh, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ, các ngân hàng luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ là phải có lựa chọn, sàng lọc. Các dự án được lựa chọn sẽ là các dự án có tính khả thi cao, hiệu quả, sử dụng công nghệ hiện đại, có khả năng trả nợ cao.

Về phía Hiệp hội BĐS Việt Nam, ông Phan Thành Mai nhận định, trong thời gian tới, thị trường vẫn đối diện 2 khó khăn lớn. Thứ nhất, các doanh nghiệp không còn khả năng hấp thụ vốn. Thứ hai, là tìm ra sản phẩm mới hoặc chuyển đổi các sản phẩm đang có phù hợp với tình hình thị trường. Để giá của sản phẩm phù hợp với thị trường thì diện tích của căn hộ cũng như mức độ đầu tư sản phẩm cần phải định hướng lại. Các cơ quan quản lý nhà nước nên xem xét khả năng cho phép xây dựng các căn hộ chung cư có diện tích nhỏ từ 25m2 trở lên (hiện nay quy định về nhà ở thương mại tối thiểu là 70 m2).

Theo Đại đoàn kết

Site Search